Đồ đạc nhiều khi khiến tôi bị âm tiền
Tôi sống tối giản – Phần 2
Trong bài trước, nguyên lí 80/20 giúp tôi nhận ra rằng có quá nhiều đồ đạc không thực sự đóng góp cho hạnh phúc dài hạn (mà chỉ là vui nhất thời rồi chán). Bài viết hôm nay nêu ra lí do thứ hai của tôi khi chọn phong cách tối giản, đó là đồ đạc đắt đỏ hơn chúng ta tưởng, và nó thậm chí khiến ta bị âm tiền.
Cách tính ”sự đắt” của đồ đạc của tôi như sau:
Đa số chúng ta chỉ biết duy nhất Giá bao bì. Chính vì thế mà không nhận ra sự lãng phí khi sở hữu đồ đạc. Nếu tính theo công thức trên, thì hầu hết đồ đạc trong nhà mà ta ít dùng đang khiến chúng ta âm tiền từng ngày! Ừ, ”âm” tiền đấy!
Tại sao?
Hãy xét phần dễ nhất là phần (2) và (3).
Đa số trường hợp, chúng ta bị sa vào việc mua tiêu sản, tức là những thứ thay vì giúp ta tạo ra thêm lợi, thì nó lại đang ngốn tiền. Mà nguy hiểm ở chỗ là ta không nhận ra nó.
Ví dụ chồng tôi có một chiếc tivi 42 inches mà một tháng anh mở ra xem một lần (giờ anh toàn dùng laptop hoặc điện thoại để theo dõi tin tức hoặc giải trí). Lúc này chiếc tivi so với ban đầu 20 triệu thì đang giảm giá thấp dần đều. Mà vì nó được lưu trữ quá lâu, nó bắt đầu chuyển sang âm tiền.
Vì khi ta không dùng tức là nó không còn giá trị. Thực tế, giá trên bao bì các sản phẩm tụt ngay giây phút bạn mua nó xong (đang nói tiêu sản nhé). Đừng cố gán cho giá mua hoặc tính nước bán ve chai thì được bao nhiêu. Chi phí lạm phát sau nhiều năm và chi phí sửa hỏng hóc cũng ngang ngửa thế. Lại chưa kể công sức bạn phải đi lau chùi nó hàng tuần, trong khi thời gian đó bạn có thể kiếm tiền. Do đó ở mục (2), giá bao bì giờ không phải như lúc mua, mà đơn giản chỉ là: Không dùng là không có giá trị.
Căn nhà 40 m2 chúng tôi ở có giá thuê 20 triệu đồng mỗi tháng (vì ở Munich nên đắt đỏ). Và chiếc tivi đã chiếm mất khoảng 1m2 (chưa tính khoảng không gian trống trước nó rất lớn). Như vậy mỗi tháng mất 500 nghìn tiền ”nó nằm đó”. Chiếc tivi này đã mua được 5 năm, như vậy mất 30 triệu đồng tiền lưu trữ (3), còn đắt hơn mua mới. Cộng thêm mục (2) chi phí sửa, bảo trì, lau dọn nữa. Càng để lâu càng mất thêm chi phí này. Vậy bạn đã tin là nó chắc chắn bị âm tiền chưa?
Bạn nhớ bức ảnh trong bài trước tôi nói về việc không gian lãng phí không? Chỉ nói vậy thì ít ai nhận ra, nhưng nếu bạn qui đổi nó ra met vuông, ra giá tiền thì nó rất khủng khiếp. Bạn có thể tính ở nhà bạn, với một thứ đồ bạn không dùng mà trong nhiều năm, giả sử bạn chỉ trả tiền cho phần đất bạn đang dùng thì sẽ bớt được bao nhiêu? Nếu bạn chỉ thuê căn nhà nhỏ bằng đúng những gì bạn cần thì sao?
Ví dụ một bộ ghế to chình ình giữa nhà, mà giá 1m2 đất bán đi khoảng 20-50 triệu, thì hãy tính xem trong suốt 10 năm qua nó chiếm của bạn bao nhiêu tiền?
Nhưng tệ hơn là mục (2) và (3) lại là phần chi phí thấp nhất của giá đồ vật.
Thứ mà nhiều bạn, đặc biệt là nữ, không tính được là Chi phí Ăn theo (4). Đơn giản là nếu đã mua một cái váy hàng hiệu cỡ vài triệu, thì bạn không thể dùng một đôi dép 100k ở chợ được. Ăn theo váy là túi vài triệu, áo vài triệu, vòng cổ cũng phải xịn, đồng hồ cũng phải thời trang. Mà các bạn nữ hay có kiểu ”ôi váy màu vàng xinh thế, mua luôn”. Rồi về nhà phát hiện ra không có áo nào hợp, và phải đi mua áo khác. Nhưng mà kiểu gì cũng đi mua áo mà lại mua cái váy màu trắng. Thế rồi lại đi mua lần nữa, lần nữa và lần nữa… Đây là lí do tủ quần áo đầy đồ mà không mặc được bộ nào ra hồn. Tiền thì mất, người thì ngày càng nghèo, mà đồ đẹp vẫn không có. Tương tự, với các bạn nam ham mê công nghệ, nhiếp ảnh, điện tử,…. thì những khoản phát sinh cho phụ kiện thậm chí còn đắt hơn cái lõi nữa.
Tóm lại là bạn biết tại sao nhiều người giàu mà họ ăn mặc đơn giản, thậm chí tuyềnh toàng chưa? À giờ thì bạn biết rồi đấy.
Bài tiếp theo nói về chi phí đắt đỏ nhất trong việc sở hữu đồ đạc: chi phí cơ hội (1).
—————————–
Bài viết được thực hiện bởi người không có chuyên môn kinh tế. Vì vậy vui lòng tự suy xét trước khi áp dụng tính giá đồ của chính mình.
Đọc thêm:
Phần 1: Ứng dụng nguyên lý Pareto
Phần 3: Iphone luôn đắt hơn ta tưởng
Phần 4: Ma trận tài sản