Kĩ năng giải quyết vấn đề – cân nhắc lựa chọn. Áp dụng để chọn trường du học

Mik luôn tin rằng người đạt nhiều thành tựu biết sử dụng thứ gọi là phương pháp ra quyết định và chọn lựa. Cuốn sách Problem solving 101 của tác giả Ken Watanabe dù rất ngắn nhưng lại cung cấp cho bạn những kĩ năng để có được những lựa chọn tốt nhất trong cuộc sống.

Nguoi-thong-minh-giai-quyet-van-de-nhu-the-nao

Phần đầu cuốn sách mô tả chu trình giải quyết vấn đề dựa vào 4 bước cơ bản: Hiểu tình hình – Xác định nguyên nhân của vấn đề – Lập kế hoạch hành động – Triển khai và điểu chỉnh cho đến khi vấn đề giải quyết

Nếu bạn đọc được sơ đồ này và áp dụng nó thành thục ngay từ lúc trẻ này, thì có thể mọi công ty đều muốn tuyển bạn, bất chấp bằng đại học của bạn thuộc loại gì hay bạn có du học hay không. Kĩ năng này sẽ bỏ xa mọi kĩ năng sống khác bởi nó hoàn toàn có thể áp dụng ở mọi nơi và với mọi vấn đề trong cuộc sống của chúng ta. Từ làm việc nhóm ở trường tới làm dự án ở công ty.

Việc ”phân tích tình hình” và ”cách xác định nguyên nhân gốc rễ” là điều mà tôi thừa nhận lứa 9x của tôi còn rất yếu. Thay vì cứ cắm đầu phán đoán bừa, chúng ta cần liệt kê các nguyên nhân, học cách làm sao đưa ra giả thuyết rồi phân tích kiểm chứng nó trước khi xác định chính xác. Đơn giản như trong việc vì sao bạn tuyệt vời mà vẫn ế, hoặc vì sao bạn học giỏi mà vẫn chỉ có công việc nhàm chán lương thấp.

Hai phần trên là hai kĩ năng quan trọng hàng đầu trong cuộc sống mà cuốn sách ngắn gọn này lại có thể mô tả một cách dễ hiểu đến vậy. Nhưng Mik sẽ không mô tả chi tiết hai kĩ năng ấy, để có gì các bạn phải chạy đi mua sách và tự khám phá chứ.

——————————–

Bù lại thì bài hôm nay sẽ mô tả chi tiết nửa sau cuốn sách:

Xác định những mục tiêu chưa định hình và đạt thành quả vững chắc.

Tôi thường tự nói mình là người không có ước mơ. Bởi tôi chỉ có các kế hoạch. Theo Mik, hãy biến ước mơ của bạn thành một mục tiêu cụ thể rồi lên kế hoạch đạt được chúng.

Trong cuốn sách này tác giả đưa ra 4 bước ngắn gọn dể đạt được mục tiêu lớn lao của bạn như sau:

  • Bước 1: Xác định hiện trạng và mục tiêu cụ thể
  • Bước 2: Xác định khoảng cách giữa mục tiêu và tình trạng hiện tại
  • Bước 3: Đưa ra giả thuyết về cách rút ngắn khoảng cách ấy: – Liệt kê tất cả các ý tưởng và lựa chọn – Chọn ý tưởng tốt nhất làm giả thuyết
  • Bước 4: Kiểm tra giả thuyết rồi quay lại bước 3 nếu giả thuyết bị bác bỏ: – Phân tích và xác định thông tin cần thiết để kiểm tra giả thuyết- Phân tích và lên kế hoạch hành động.

IMG_2027

Trong cuốn sách này, tác giả đặc biệt nhấn mạnh như sau:

Bước 1: Đừng chỉ nói rằng bạn muốn gì, mà hãy nói cụ thể. Đừng nói bạn muốn một chiếc điện thoại thông minh, hãy nói rõ là bạn cần một chiếc Iphone XXl trị giá ba chục triệu chứ! Và cũng nên nói rõ luôn là bạn muốn có nó trước tết hay sau tết.

Bước 2: Hãy nhìn lại bản thân mình, với thu nhập 7 triệu một tháng thì làm sao để bạn có thể mua được IPhone trong thời gian ngắn như vậy đây? (khoảng cách giữa số tiền đang có và giá của điện thoại)

Bước 3: Liệt kê các giả thuyết dưới dạng sơ đồ, rồi nghĩ lại và loại bỏ các giả thuyết không phù hợp nếu có.

IMG_2023

Đấy, nếu bạn đọc và hiểu được các kĩ năng này thì đã có 10% sống thành công rồi, 90% còn lại chỉ phụ thuộc vào việc bạn thực hành các bước này mỗi ngày để trở nên thuần thục mà thôi.

————————————-

Cách lựa chọn trường du học

Có những người hiếm khi họ hối tiếc vì những lựa chọn của mình vì họ đã dành thời gian xem xét tất cả các lựa chọn và tìm ra giải pháp tốt nhất cho mình.

Cuốn sách ngắn gọn này còn mô tả khi cân nhắc chọn trường du học cần làm thế nào qua ví dụ về một cô bé quyết định chọn trường học bóng đá ở một nước ngoài. Cô bé xác định hai mục tiêu lớn nhất là: trải nghiệm học ở một môi trường bản địa và thứ hai là để phát triển kỹ năng- điểm mạnh nhất của mình.

Việc đầu tiên là tìm thông tin về trường. Thông qua trang web của các trường và những thông tin từ báo chí, diễn đàn xung quanh, cô đã chọn những tên trường có đặc điểm gần nhất với tiềm năng phát triển kĩ năng của cô.

Theo tôi, nếu bạn thích ngành công nghệ thông tin, hãy liệt kê những nước/ thành phố/ trường đại học đã nổi tiếng với ngành này. Một điều quan trọng là hãy nghĩ tới cả tiềm năng của bạn sau khi học xong ở ngành này. Nếu ngành ấy cần cơ sở vật chất và chỉ phát triển ở nước ngoài, hãy chọn nơi mà có điều kiện ở lại học và làm thêm được ở đó, ví dụ như các ngành nghiên cứu chuyên sâu, ngành khoa học hiếm, ngành thuộc công nghệ…. Nếu ngành của bạn đang là ngành Việt Nam cần và thiếu nhân lực, thì cứ thoải mái đưa vào danh sách này, vì bạn không cần điều kiện để ở lại. Ngành của tôi thuộc nhóm thứ hai và sớm muộn gì cũng sẽ về Việt Nam nên tôi chọn Đức là nước đào tạo ngành này tốt nhất mặc dù điều kiện ở lại không dễ.

Nói đến đây thì tôi cũng khuyên các bạn nên bỏ ngoài tai những lời bĩu môi nói rằng bạn làm chảy máu chất xám, hoặc rằng bạn không đóng góp gì cho tổ quốc. Hoặc những câu dụ dỗ là chỉ có sống ”ở Tây mới sướng”, đừng về nước…. Những lời này đều của những người ngoài cuộc và họ không biết gì về cuộc đời của bạn, ngành học của bạn hay tương lai của bạn. Đừng để bị tác động tới quyết định chọn lựa sáng suốt của mình. Chỉ có bạn mới hiểu bản thân mình nên đi hay ở là tốt nhất với bạn.

  • Bước 1: Liệt kê tất cả các phương án (các trường có ngành)
  • Bước 2: Liệt kê ưu khuyết điểm

Có danh hiệu/ sự nổi trội nào về đào tạo trong ngành bạn học ở trường đó? Môi trường học? Địa điểm? Học phí?…

Khi liệt kê, hãy cố gắng công bằng với các đặc điểm.

IMG_2025

Lời khuyên của tác giả là ”Chúng ta thường bị tác động bởi ấn tượng đầu tiên. Nếu trước tiên chúng ta nghĩ mình thích một điều gì, chúng ta thường cố tìm ra lý lẽ chứng minh cho suy nghĩ đó. Ngược lại, nếu chúng ta không thích điều gì lắm, chúng ta thường chỉ chú ý vào những khuyết điểm. Điều quan trọng là chúng ta phải tránh xu hướng này để đưa ra một quyết định đúng đắn.” (Nghiên cứu khoa học gọi đây là confirmation bias).

  • Bước 3: Đánh giá tầm quan trọng của từng điểm mạnh và điểm yếu mà bạn đã liệt kê.

Ví dụ có thể đánh giá:

  • ++++ rất quan trọng/ hấp dẫn
  • +++ tương đối quan trọng/ hấp dẫn
  • + ít quan trọng/ hấp dẫn

Sau đó tính tổng điểm của hai cột

  • Bước 4: Chọn phương án hấp dẫn nhất dựa vào tổng số điểm ưu và khuyết của mỗi trường

Ngoài cách trên, tác giả còn ví dụ cách thứ hai là dựa vào tiêu chí thay vì ưu điểm nhược điểm (bước 2). Bạn cần xác định mức độ quan trọng của mỗi tiêu chí: cao, thấp, trung bình. Sau đó đánh giá mức độ mỗi trường đạt được trong mỗi tiêu chí. Với cách này, bạn nên chọn phương án có mức độ cao ở những tiêu chí quan trọng nhất + được điểm thấp ở những tiêu chí ít quan trọng hơn.

IMG_2024

Công cụ này sẽ giúp bạn hệ thống tư duy và tránh bỏ mất các thông tin.

Trên đây chỉ là bước rất cơ bản của việc cân nhắc trường. Trong cuốn sách của tác giả Ken Watanabe còn một phần sau của cách chọn trường này rất quan trọng. Nó nhấn mạnh yếu tố then chốt nhất trong chọn trường là dựa vào mục đích quan trọng nhất mà bạn đặt ra. Mặc dù danh tiếng và trường có nhiều ưu điểm, nhưng ngôi trường đó lại không phục vụ được mục đích lớn nhất của nhân vật chính. Vậy là dù điểm rất cao nhưng cô bé vẫn bỏ qua trường đó để chọn ngôi trường ít điểm hơn, nhưng thực sự phù hợp với cô bé hơn (the best is not the right). Cô bé cũng rất đúng khi không ngừng liên lạc với những chuyên gia trong ngành để hỏi ý kiến sau khi đã tìm hiểu kĩ.

Theo tôi, trong thực tế, rất nhiều trong chúng ta chọn đại học hoặc du học vì sự tác động của bên ngoài. ”Bên ngoài” này bao gồm bố mẹ yêu cầu, hoặc do bạn bè đều học ngành đó hoặc đều đi du học, do cảm thấy học ngành đó/đi du học là ”cool”, ngầu…. Chúng ta nên hiểu đây là tác động phụ tới quyết định của chúng ta chứ không nên đặt nó làm nguyên ngân chính.

Điều này quan trọng vì nó quyết định toàn bộ quá trình sau đó. Nếu bạn bị tác động bên ngoài để làm một việc, thì suốt quá trình và kết quả của nó chỉ để phục vụ những người đó. Ví dụ bạn nghĩ đi du học để oai với bạn bè, làng xóm. Thì suốt quá trình xa nhà, bạn sẽ rất bận với thể hiện quá trình du học lẫm liệt với họ, bất chấp thực tế thế nào. Hoặc nếu bạn chọn học ở Ngoại Thương để chứng minh rằng mình thuộc hàng top, thay vì chọn ngành nhiếp ảnh mà bạn thích, thì cả cuộc đời cũng sẽ bận chứng minh ”sự khủng” của mình thay vì chọn làm những gì mình thực sự muốn.

Vì vậy, theo tôi, hãy chọn mục tiêu quan trọng nhất là thứ sẽ ảnh hưởng tới con người của chính bạn sau này nhất, chứ không phải là thứ phục vụ ánh nhìn và mong muốn của người khác.

Đây cũng là cuốn sách Mik sẽ tặng lại sắp tới nhé!

Đọc thêm: Làm hồ sơ du học nên bắt đầu từ tư duy

———————–

Bạn có thể đăng ký nhận bài mới qua email ở cuối trang để theo dõi blog cá nhân của tôi.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

1 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Sơn
Sơn
4 năm trước

Cám ơn bạn vì review một quyển sách hay

Quay về đầu trang
1
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x