Đọc sách và viết lại
Chữa tham sân si trong việc đọc sách phần 4
Bước 3: Đọc sách và viết lại
Bước này nhằm chữa hội chứng ”si” sau khi đọc sách: đọc 10 hiểu 5, sau đó quên mất 3 và không biết dụng 2.
Muốn nhớ lâu hãy đọc nhiều lần. Nhưng thực tế cho thấy là trừ phi cuốn đó quá hay, chứ đa phần chúng ta đọc chưa trọn vẹn 1 lần là đã ”hết sức” rồi. Vậy nên rất có lý khi chỉ nên chọn đọc 20% hay nhất. Tuy vậy, có nhiều cuốn sách cung cấp khối lượng kiến thức rất lớn, khó mà bỏ phần lớn như vậy. Với những loại sách này, thay vì ra sức đọc đi đọc lại mong nhớ được tất cả, tôi chuyển sang cách viết lại nội dung sách.
Viết lại hoặc tổng hợp lại kiến thức từ sách giúp bạn dễ dàng vứt bỏ ”xác sách”. Vì những thông điệp quan trọng nhất của tác giả đã được bạn lưu trữ vào cuốn Sách Tổng Hợp của riêng bạn. Nó khác với việc ghi chú hoặc đánh dấu sách, vì viết lại gần như tóm tắt lại, sẽ mất thời gian hơn, đòi hỏi hiểu kĩ kiến thức hơn, nhưng là cách hiểu và ngấm sâu nhất nội dung của các cuốn sách, có tác dụng biến sách thành kiến thức của bạn mãi mãi. Trong khi đó ghi chú chỉ đơn thuần là đánh dấu lại vào chính cuốn sách, nhưng ngay sau khi gập sách lại, bạn vẫn có thể quên. Và vì cuốn sách đó có nội dung ghi chú, bạn lại càng khó vứt đi.

————————————
Các kiểu viết lại nội dung sách
Cách 1: Viết blog
Nó chính là viết lại dưới dạng blog như Mik đang làm. Ví dụ bài Cách hỏi là Mik tóm tắt lại một phần nhỏ của sách. Nhược điểm của nó là mất thời gian vì bạn phải luyện cách trình bày và tổng hợp sao cho có ý nghĩa nhất. Có thể bạn phải kết hợp nhiều nội dung ở nhiều cuốn khác nhau để phục vụ cho một bài viết. Thậm chí, nếu muốn có người khác đọc thì sẽ mất thời gian hơn rất nhiều. Trung bình mỗi bài viết tôi mất 8 tiếng để viết và sửa, cộng thêm cả tuần đọc sách, chọn lọc nội dung và lên ý tưởng. Do đó, cách này có thể không khả thi với đa số mọi người.
————————–
Không như ghi chú trực tiếp lên sách, viết lại sách bằng một cuốn Sách Tổng Hợp yêu cầu bạn có một cuốn sổ/blog riêng và tự viết (bằng chính nét chữ thường là rất xấu của bạn), thay vì chỉ đánh dấu trực tiếp vào sách của tác giả như trên. Tác dụng của khi bạn tự viết lại là bạn buộc phải hiểu các nội dung, tức là sẽ đọc sách kỹ hơn. Dưới đây là 2 cách tiếp theo để ghi chú lại nội dung sách, chúng tập trung vào việc viết dưới dạng sách của chính bạn, nhưng bằng kiến thức của người khác. Sau tất cả những năm tháng đọc, bạn chỉ còn giữ lại 1 cuốn sách duy nhất là cuốn này.
Cách 2: Sử dụng hệ thống Cornell
Đây là phương pháp viết nổi tiếng, nó giúp bạn nhanh chóng ghi chú và theo dõi các ý chính của đoạn thông tin dày. Cách ghi chú này thường được sử dụng khi chúng ta ghi lại những bài giảng trên lớp của thầy cô, đi hội thảo, đi họp… Hình dưới đây mô tả cách làm:
Tuy nhiên, nhược điểm của nó là khó nhớ do nó chi chít chữ trong phần nội dung. Bởi vậy Mik có cách viết lại nội dung sách khác.
Cách 3: Ghi chú theo hệ thống mã hoá, màu sắc và hình khối
Cách này thay vì chia sổ thành các cột thì bạn lại sử dụng toàn bộ trang giấy. Nội dung của mỗi trang không dựa vào ”phân chia một chức năng chung” (tiêu đề hay tóm tắt) như hệ thống Cornell mà dựa vào Những kiến thức trong sách là gì. Mỗi loại kiến thức thì bạn sẽ tự dùng một màu sắc, hình khối khác nhau. Nói đơn giản là tôi tóm tắt lại nội dung những cuốn mình đã đọc. Mỗi cuốn sách bình thường tôi viết lại vào đây có độ dài chỉ khoảng 10% so với sách gốc.
Bước trình bày nội dung sẽ khiến bạn nhớ dai dẳng các kiến thức đó. Nếu bạn biết đến mind-map, hoặc biết đến tác động của hình ảnh hoá với trí nhớ thì bạn sẽ thích cách viết sách tổng hợp này.

Chúng kì diệu tới mức mà ngay khi viết xong, tôi đọc lại chính những phần mình vừa viết cũng thấy nó hay tuyệt, có hệ thống và đầy ắp kiến thức. Điều tuyệt vời nhất là vì chính mình tự viết, nên khi đọc cuốn nào có nội dung liên quan tới một khái niệm nào, tôi nhớ ngay lập tức là mình tìm khái niệm đó ở đâu trong cuốn sách của chính mình. Nhờ viết lại như vậy, tôi có thể nhớ hơn 80% nội dung vì đã trải qua một lần đọc từ sách gốc, một lần viết ra, một lần đọc lại và hay nhất là dễ tra cứu. Không chỉ tra cứu, mà mỗi khi đọc thêm cuốn sách khác có kiến thức, tôi có thể viết bổ sung dễ dàng.
Lưu ý là chữ xấu không thành vấn đề nhé, vì chỉ có bạn là người đọc lại nó.
Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là bạn cần đầu tư thời gian (vì phải đọc hiểu và tự phân tích). Nó nên áp dụng với các sách đầy ắp kiến thức sâu. Còn với một số cuốn không quá nhiều nội dung, bạn nên dùng phương pháp Pareto để đọc nhanh hơn gấp 5 lần.
Bài viết sau, cũng là bài cuối cùng của chuỗi bài về cách đọc sách, sẽ mô tả rõ các bước viết lại sách của tôi theo cách 3 này.
—————————————
- Phần 1: Vì sao hầu hết chúng ta mua sách mà KHÔNG đọc
- Phần 2: Mua sách để vứt sách đi – Phương pháp để đọc được nhiều hơn
- Phần 3: Đọc sách có chiến lược và hệ thống
- Phần 5: Cách tôi tự viết lại nội dung sách (Phần cuối)
Cách 3 em thấy hơi giống sơ đồ tư duy. Em cảm ơn ạ