Cách học ngoại ngữ thông minh cho người hay quên: Phần 2: Giải pháp cho việc học nhiều mà vẫn kém ngoại ngữ

Ắt hẳn bạn đã từng bỏ nhiều công sức ngày này qua tháng khác để miệt mài học ngoại ngữ: từ ghế nhà trường, ghế học thêm, ghế ăn cơm và cả ghế đá. Nhưng kết quả thì sao? Chẳng có gì tiến bộ đáng kể!!

Học ngoại ngữ, dù tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Hàn, tiếng Trung, hay kể cả tiếng Việt, thì cũng không thể nào thành công nếu chỉ có bút và sách!

Chúng ta cần nhiều hơn thế.

Vậy, cụ thể thì chúng ta cần gì để học tốt tiếng Anh nói riêng và các ngoại ngữ khác nói chung?

IMG_3301.PNG

Đầu tiên thì ai chẳng biết bạn có mong muốn giỏi (tiếng Anh chẳng hạn), nhưng quan trọng là bạn có thực sự quyết tâm không? Hay là bạn coi việc cày phim ảnh quan trọng hơn? Đôi khi không có quyết tâm đơn giản vì bạn không có mục đích. Bởi học xong rồi thì để làm gì? Mà học đến khi nào thì xong? Thế rồi bạn sẽ nản chí, và lại xa rời ngoại ngữ mà bạn muốn chinh phục. Có lẽ bạn cần thêm cafe, hoặc thậm chí cần có người yêu học cùng để thúc đẩy chính mình. Nếu bạn đỉnh cao hơn nữa, thì bạn biết các phương thức quản lý thời gian theo giờ để học nghiêm túc.

Nhưng sau tất cả, bạn cần một phương pháp học đúng! Có những thứ quyết tâm hay mục đích này nọ, mà không biết học cách nào cho hiệu quả thì rồi bạn cũng sẽ không thành công.

Mik đã thử phương pháp dùng Hộp thẻ học 5 ngăn của người Đức. Phương pháp này giúp tôi giải quyết bộ não cá vàng của mình – vấn đề của trí nhớ.

IMG_2939

(1) Cái gì muốn nhớ, phải lặp lại càng nhiều càng tốt.

Trước tiên, hãy hiểu gốc rễ của việc ghi nhớ.

Trừ phi là gặp một người rất xinh đẹp hoặc thật là xì ngầu (ủa có từ xì ngầu trong Tiếng Việt không ta?), nếu không thật khó để ta nhớ được hàng chục người nếu chỉ gặp họ có 1 lần trên đường. Tương tự, làm sao mà ta thuộc hàng chục từ vựng mà mình vừa cắm đầu cắm cổ viết ra vở được, nếu không lặp đi lặp lại việc thấy chúng? Đó là lý do mà việc học ngoại ngữ mất thời gian. Đó lại càng là lý do những khoá học ngoại ngữ siêu tốc đều là cú siêu lừa. Bạn có thể tới đó, viết lại hàng trăm từ mới, nhưng rồi kết thúc khoá học xong thì mèo lại hoàn mèo.

Giải quyết vấn đề này, hộp thẻ 5 ngăn yêu cầu học lặp lại để ta đưa các từ vựng vào trí nhớ dài hạn, giống như việc bạn gặp ai đó nhiều lần vậy. Cơ chế 5 ngăn như một phễu lọc 5 lớp của nó giúp ta kiểm tra trí nhớ thật hiệu quả, xem bạn đã thực sự nhớ nó chưa.

Leitner_system_animation

nguồn ảnh: wikipedia

(2) Không phải từ nào cũng học

Nếu để ý những cuốn từ điển, bạn sẽ thấy trên đó ghi số lượng từ khác nhau, và chúng đều có mục đích cả đấy. Trước đây tôi cứ tưởng mình phải dùng quyển thật nhiều từ thì mới đủ xịn, học mới giỏi được! Thế nhưng không phải vậy. Ở mỗi trình độ, số lượng từ vựng mới tăng dần lên cả về mặt số lượng và chất lượng. Và sai lầm chết người của việc học là học tất cả các từ có thể. Chính Mik đây đã ngã ở đoạn này, bởi ngày xưa cứ nghĩ gặp từ nào phải biết từ đó, và cố nhồi nhét những từ ‘hoành tráng’ vào đầu. Đó là những từ ít thông dụng, nên khiến tôi ảo tưởng rằng mình biết từ đó tức là mình giỏi hơn người khác. Ai ngờ đâu, thời gian học những từ ấy lâu hơn đã đành, mà việc nói những từ không phải ai cũng biết trong môi trường làm việc hoặc giao tiếp thông thường lại càng ngu ngốc!! Các bạn hãy tránh xa lỗi này nhé, cứ học các từ gần với cuộc sống của mình nhất trước đã!

Bởi thế, các thẻ học bán ngoài thị trường đã được phân loại theo chủ đề để giúp tôi có thể tạo liên kết giữa các từ thông dụng này, đẩy nhanh việc ghi nhớ liên tưởng.

IMG_7216
Bộ thẻ học 5 ngăn đi kèm luôn các thẻ từ vựng. Mik mua trên Amazon. Nhưng bạn cũng sẽ tìm thấy nó ở các hiệu sách ở Đức.

(3) Học quá liên tục và quá không liên tục!

IMG_3303

Học quá nhiều cùng lúc (thời gian ngắn) sẽ vô ích. Bởi não chưa kịp nhớ từ này, đã phải gặp từ khác. Các liên kết trí nhớ chưa kịp hình thành đã phải chuyển đổi. Càng nhồi nhét, bạn sẽ lại càng nhanh quên.

Mặt khác, theo trải nghiệm của cá nhân tôi, lý do số 1 của đa số mọi người học mãi không giỏi là vì để quá lâu (thời gian dài) mới học tiếp. Khi đó, bạn rơi vào tình trạng: sau 1 thời gian nhiều năm học, thấy từ mới vẫn mới như cũ, hay là từ cũ vẫn như mới. Bản thân tôi, cũng như việc quan sát bạn bè học ngoại ngữ, đều cho thấy là: học 10 năm hoàn toàn có thể kém hơn người học ngoại ngữ 1 năm. Vì 10 năm đó bạn cứ lôi tiếng Anh ra học vào dịp đầu năm, rồi bỏ quên nó sang tới tận 6 tháng tới 1 năm sau. Việc này giống như leo lên dốc mà dừng lại thì sẽ bị trơn tuột xuống. Do đó, phải học đủ ”đến ngưỡng” không trôi, ví dụ như học liên tục đến hết B1, thì việc bạn bỏ bê 1-2 năm vẫn có thể quay lại nhanh hơn là mới chỉ học trình độ A1-2.

Nhờ Hộp thẻ học 5 ngăn, tôi có thể kiểm soát việc học của mình theo ‘vận tốc’ thích hợp nhất, đủ để hàng ngày có không quá nhiều từ vựng, mà lại có chu trình duy trì trong thời gian dài.

Theo nguyên tắc dùng hộp thẻ này, giữa hai lần học phải cách nhau tối thiểu 8 tiểng, đủ thời gian để não bạn được nghỉ ngơi và có thể bắt đầu chu trình lặp mới. Sẽ dễ dàng để hôm nay học và mai vẫn nhớ, nhưng để 1 tuần sau thì nó sẽ hoàn toàn trôi khỏi đầu. Nên có thể học các thẻ ở ngăn thứ 2 cách 2 ngày, khoang thứ 3 cách 4 ngày, khoang thứ 4 cách 8 ngày. Nếu bạn ôn và kiểm tra lại thì đúng điểm ‘trôi trí nhớ’ ấy, việc học được lặp lại sẽ duy trì sự ghi nhớ lâu dài. Học theo cơ chế này sẽ đẩy bạn lên lịch liên tục đủ đến khi hết hộp thẻ, vừa đo lường được rõ ràng, mà lại biết điểm dừng ở đâu khi học.

Các chuyên gia khuyên là mỗi ngày không nên học quá 20 – 40 từ vựng. Trong khoang thẻ đầu tiên cũng nên chỉ có khoảng ngần ấy thẻ, cho tới khi tất cả thẻ đưa vào khoang cuối cùng.

Hơn tất cả, chúng ta hoàn toàn có thể sáng tạo dựa trên cách học này. Phương pháp này lấy các thẻ học làm trọng tâm. Bản thân Mik sau khi tiếp cận từ vựng rồi, cũng tự phát triển cách học này với phần ngữ pháp. Bài tiếp theo trên Flownes, Mik sẽ giới thiệu cụ thể về cách làm riêng của mình nhé. Các bạn hãy đăng ký Email ở cuối trang blog để nhận thông báo hoặc theo dõi Facebook của Mik nhé.

IMG_1844

Biến ngữ pháp thành các thẻ học

(Chữ xấu không thành vấn đề)

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

3 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
trackback

[…] phần 2, Mik đã giới thiệu việc quan trọng của duy trì tốc độc học từ […]

Tuấn Long Phan-Nguyễn
Tuấn Long Phan-Nguyễn
3 năm trước

Vẫn là một bài viết chất lượng, em cảm ơn chị đã chia sẻ 😀 em nghĩ sau này chị có thể add thêm chức năng like/clap vào các bài viết của mình nữa thì sẽ rất tuyệt 😀

Btw em thấy “năng khiếu” là từ hay dùng ở chỗ em.

Mik
Mik
3 năm trước

ý tưởng chức năng hay quá, chị phải tìm hiểu kỹ hơn mới được.
Rất vui vì lại được nhận góp ý ích nước lợi nhà của em 🙂

Quay về đầu trang
3
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x