Bạn nghĩ mình nghèo? … Không! Bạn còn nghèo hơn bạn nghĩ đấy!

Sống ở Việt Nam còn đắt đỏ hơn ở Đức

Có bao giờ khi mua kem đánh răng, bàn chải hay mấy cuộn giấy vệ sinh mà bạn thấy nó đắt không? Tôi chưa bao giờ hoài nghi về giá cả của mấy món đồ dùng nhỏ bé ấy. Thế rồi ngày trở về nhà, vẫn là những thứ ấy, vẫn là mức giá ấy, nhưng lần đầu tiên tôi biết rằng đồ tiêu dùng ở Việt Nam … quá đắt.

Bao thuốc Marl ở Đức 170k còn ở Việt Nam là 24k, một tá trứng ở nhà mình 41k còn ở tây là 91k…

IMG_1963

*Lưu ý là đây chỉ là các con số tương đối để minh hoạ, chưa tính tới chênh giá giữa các hãng.

Ủa, rõ ràng ở nước ngoài cái gì cũng có giá cao hơn mà?

Nhưng không! So sánh giá cao hay thấp hơn chẳng có ý nghĩa gì đâu. Hàng hoá và thu nhập ở Việt Nam đều thấp hơn ở Đức thật đấy. Nhưng điều ấy không có nghĩa là không có cái gì sai sai. Vấn đề là ở đây:

Lí do mà ở Việt Nam đắt hơn không phải vì giá cả hàng hoá thấp hơn, mà là tỉ lệ chi trả cho những hàng hoá ấy trên mức thu nhập ở Việt Nam lại quá cao. Thực tế này không phải chỉ Mik mà rất nhiều du học sinh ở các nước khác cũng nhận ra sự đắt đỏ vô hình này. Chỉ khi trở về nhà, sử dụng mức lương mới – nhỏ bé gấp nhiều lần – để mua những thứ đồ có giá chẳng thấp hơn là mấy, chúng tôi mới nhận ra điều này.

Theo thống kê thì mức thu nhập trung bình của lao động Việt Nam là 3,2 triệu đồng, còn của Đức là 65 triệu một tháng (USD 33 652/năm, chưa trừ thuế, tính theo thời điểm tháng 12.2018). Tức là thu nhập trung bình ở Đức gấp hơn 20 lần người Việt trong khi giá mỗi cuộn giấy vệ sinh ở Đức chỉ đắt gấp đôi chúng ta. Tức là theo tỉ lệ này, nếu bạn mua một cốc cà phê với giá 25 ngàn, thì người Đức chỉ cần trả 1 ngàn 250 đồng thôi.

Tuy nhiên trong bài viết này, tôi dựa theo thực tế của bạn bè xung quanh, nên sẽ lấy minh hoạ mức lương công sở (với người đã tốt nghiệp đại học) khoảng 7 triệu đồng ở Việt Nam và 48 triệu ở Đức (lương là 3000€/tháng, sau khi đã trừ thuế còn 1800€). Tính theo mức này thì khoảng cách trên chỉ còn gấp 6 lần, nghe bớt bất công và sát thực tế hơn. Tuy vậy, vẫn thể hiện rõ ràng ở Việt Nam, chúng ta đang phải chi trả quá cao so với thu nhập.

IMG_1999

Tôi tính xem các đồ vật chiếm bao nhiêu phần trong thu nhập của người đi làm công sở ở Đức và Việt Nam (chỉ mang tính tương đối). Tỉ lệ giá thuê nhà trên mức thu nhập của hai nước khá ngang ngửa nhau. Với quần áo có nhãn hiệu thì người Đức chỉ cần chi 12% thu nhập là có thể dùng Adidas, Nike, Dior, Levi’s… trong khi chúng ta mất cả nửa tháng lương. Hoặc họ chỉ cần bỏ 1/3 lương tháng là mua được Iphone, trong khi đa phần người Việt phải dành dụm hết nhiều tháng. Cùng các đồ ăn uống như nhau thì Việt Nam có tỉ lệ chi trả trên thu nhập cao gấp 3 lần Đức. Tỉ lệ này là 4 lần với các đồ giấy vệ sinh, kem đánh răng, khử mùi, dầu gội… Buồn nhất là với đồ gia dụng như máy giặt, tủ lạnh, lò vi sóng, ipad, tivi, điện thoại thì giá ở Đức và Việt Nam luôn ngang ngửa nhau. Mà hãy nhớ là thu nhập ở Đức lên tới trên dưới 50 triệu.

Tá trứng giá 91k ở Đức và 41k ở Việt Nam không có nghĩa là trứng ở Đức đắt hơn ở Việt Nam. Nó phải là trứng ở Việt Nam đắt gấp 3 lần ở Đức so với tỉ lệ mức thu nhập (tương đương chiếm 0,18958% (91k/48 triệu) ở Đức và 0,5857% (41k/ 7 triệu) ở Việt Nam trên thu nhập) . Tương tự, nếu một cốc Starbucks ở Việt Nam là xa xỉ, vì bạn phải nhịn hai bữa trưa (ăn ở ngoài) để đi cà phê sang chảnh, thì ở Đức nó chỉ bằng một nửa bữa. Thế đấy, sự thật là chúng ta nghèo hơn mình vẫn tưởng!

IMG_1971.png

Đổi mấy bữa trưa ở ngoài hàng mới được 1 cốc Starbuck?

*Lưu ý: trên đây chỉ là các con số tương đối để minh hoạ, chưa tính tới chênh lệch giàu nghèo, khác biệt ngành nghề, vị trí địa lí, tính chất đô thị và nông thôn hoặc khác biệt loại hình công ty ở mỗi quốc gia.

——————————————–

Chi phí cơ hội – có thể bạn nghèo hơn bạn nghĩ 

Thôi được, đến đây bạn có thể bấm bụng rằng tiêu dùng ở Việt Nam so với thu nhập là đắt. Và vì chúng ta nghèo, nên chúng ta chấp nhận số phận của mình hiện tại. Ta không được vung tiền như các bạn trẻ quốc tế: ít cơ hội cho chúng ta uống 10 cốc cà phê mỗi ngày hơn, vì chúng ta còn cần dùng tiền mua giấy vệ sinh và kem đánh răng.

Nhưng mà, không biết bạn đã nghĩ đến điều này chưa: nghèo nghĩa là chi phí cơ hội cao. Kiểu như Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa. Nghèo không chỉ là bây giờ ta nghèo, nghèo còn có nghĩa là sau này ta sẽ có thể vẫn nghèo hơn nữa.

Vấn đề là chi phí sống không hơn nhau ở mức hai đường thẳng song song. Mà nó hơn nhau ở một góc mở rộng, nghĩa là mức chênh lệch càng lúc càng lớn. Mức chênh lệch này đáng sợ nhất là khi người trẻ ở các nước giàu có được dễ dàng tiếp cận giáo dục chất lượng cao hơn và được sử dụng tiền cho đầu tư tương lai, thay vì bận trả cho kem đánh răng với giấy vệ sinh.

Còn ở Việt Nam, nếu chúng ta mãi không có nhiều sản phẩm ”made in Vietnam” với giá Việt Nam, mà với sự tấn công của các mặt hàng nhập giá tây, thì các sản phẩm tiêu dùng ngày càng chiếm nhiều trong ngân sách, càng khó có dư thừa để đầu tư cho tương lai.

IMG_2003.png

Thậm chí ở nơi có nhiều sản phẩm nội địa như Đức, nơi các công ty thi nhau sản xuất nhiều loại kem đánh răng mới, thì giá thành của họ ngày càng giảm. Ví dụ như ở Đức rất phổ biến bàn chải và kem đánh răng giá dưới 1 euro (khoảng 25k – 27k), giá chỉ bằng 1 phần 700 so với thu nhập của sinh viên.

Trong khi đó, bạn có biết bàn chải đánh răng của bạn đang chiếm bao nhiêu phần trong thu nhập của mình không?

 

Screen Shot 2018-12-12 at 14.07.13
kem đánh răng chỉ 10-20k (tiền Việt) ở Đức

Cuốn Nguyên lý 80/20 của Richard Koch có mô tả như sau:

”Kẻ giàu thì cứ giàu lên, không phải chỉ (hay chủ yếu) là vì họ có năng lực vượt trội gì, mà là vì: của cứ đẻ ra của. Một hiện tượng tương tự cũng xảy ra với những chú cá vàng trong ao. Cho dù ban đầu thả cá bạn chỉ có những con cá kích thước xấp xỉ nhau, thì những con lớn hơn một tí sau này sẽ lớn hơn rất nhiều, bởi vì, cho dù chỉ có một thuận lợi ban đầu chỉ hơi cách biệt về kích cỡ, chúng đã có thể giành và nuốt được những lượt thức ăn vượt trội hơn những con kia.”

Với những lợi thế hiện tại, như năng lực con người, cơ sở hạ tầng, nền giáo dục tốt và tư duy luôn cải tiến, các bạn trẻ phương tây có nhiều hơn chúng ta những lợi thế để tạo các sản phẩm tốt hơn nữa, giá rẻ hơn nữa. Nhất là thời đại công nghệ rất cần đến lao động trí óc cao. Và nếu chúng ta càng bắt đầu chậm trong việc tạo ra và tiêu thụ những sản phẩm của riêng Việt Nam mình, chúng ta càng khó nhét những sản phẩm mới này vào.

Đoạn khác của Nguyên lí 80/20 đề cập: ”Đến một ngưỡng nào đó, một động lực mới (có thể hiểu là các bạn trẻ Việt Nam mới bước vào cuộc chơi) sẽ thấy khó có thể phát triển hơn được nữa. Mặc dù rất cố công nhưng kết quả chẳng thu được gì. Ở ngưỡng này nhiều kẻ hào hứng tiên phong sẽ bỏ cuộc…”

Nghĩa là nếu ngay lúc này một người Việt không bỏ ra nỗ lực gấp đôi gấp ba một người bạn phương tây, thì đời con của mình sẽ phải nỗ lực gấp năm gấp mười lần. Chúng ta (đã, đang và sẽ) ở trong nhóm 80% người nỗ lực hết mình mà chỉ thu được 20% lợi nhuận của thế giới toàn cầu hoá. Và cuộc sống của người Việt ngày càng phụ thuộc vào sản phẩm nước ngoài và khốn khó hơn.

———————————–

Và chúng ta đang tăng độ nghèo của mình bằng sự sính ngoại

Để làm trầm trọng hơn cho việc này thì rất nhiều trong số chúng ta mắc cái bệnh ”sính ngoại”. Nói ai xa chứ chính tôi hồi mua hai quả dưa mang sang biếu bác mà đã nhanh chóng chọn loại dưa nhập khẩu nước ngoài, ”chứ ai lại biếu hàng Việt dù ngon cỡ nào?”, tôi nghĩ vậy, và rất nhiều người Việt cũng đang nghĩ vậy. Một suy nghĩ trị giá chục triệu đô, nhất là dịp tết. Rồi mẹ tôi khi mua thuốc và được bác sĩ giải thích là có hai loại của Việt Nam và của Pháp công dụng như nhau, nhưng cái hàng Pháp giá đắt gấp 3 lần. Vậy là mẹ tôi không cần nghĩ tới phút thứ hai đã chọn luôn hàng ngoại và tin rằng nó tốt hơn. Thậm chí đến kem đánh răng, nếu google, bạn thấy bán nhan nhản cùng là một hãng, nhưng rất nhiều người mua tuýp kem đó vì nó ”xách tay Mĩ” dù giá đắt gấp đôi gấp ba. Hàng xách tay và đồ tây lúc này đồng nghĩa với từ ”hàng tốt, xịn, sang, chất”.

IMG_1966

Nhưng mà, không phải xách tay chỉ đắt gấp đôi, gấp ba như bạn tưởng đâu. Nào hãy lấy ví dụ thực tế đi, bạn có thể google một chai dầu gội trẻ em hãng Penaten của Đức đang được nhiều bà mẹ Việt Nam sẵn sàng trả 200k, nhưng các bà mẹ ở Đức chỉ mất 2,95 Euro. Chính cô bạn tôi, người đi làm công sở ở Việt Nam có mức lương 7 triệu đang dùng chai này cho em bé. Như vậy, bạn tôi đã mất 2,857% lương. Còn với bà mẹ Đức thông thường có mức lương 1800 Euro thì chỉ mất 0,1638%. Nếu so với tỉ lệ thu nhập, thì bà mẹ Việt phải trả giá đắt gấp 17 lần rưỡi bà mẹ Đức để mua chai sữa tắm hàng xách tay cho con.

Hình dưới đây mô tả sự chênh lệch lớn thế nào khi bạn dùng đồ ngoại, đồ xách tay.

IMG_1986

Bạn tôi nghe vậy lắc đầu bảo: ‘‘…thì kệ chứ, hàng tốt thì tôi dùng thôi, đắt gấp mấy cũng được, chẳng nhẽ bắt tôi dùng hàng Việt chất lượng kém trong khi tôi có tiền dùng hàng ngoại?”

Chúng ta mất niềm tin bởi hàng Việt chất lượng thấp đã đành. Nhưng nỗi sợ ấy hình như che lấp cả lí trí phân định mặt hàng tốt thực sự của người Việt. Điều này lớn tới mức chúng ta đang có cả một ngành hàng xách tay khổng lồ. Với nhà nước thì ngành này là trốn thuế. Còn đặc biệt với những doanh nghiệp Việt, đặc biệt với các công ty khởi nghiệp non trẻ đang tạo ra sản phẩm mới tốt thật sự, lại vất vả vô cùng trong việc tiếp cận khách hàng. Vất vả lắm mới làm ra sản phẩm, nhưng lại không được khách hàng cho cơ hội dùng thử một lần chỉ vì mang mác Việt Nam.

Cá nhân tôi thừa nhận ở Đức các mặt hàng đa dạng và chất lượng trội hơn cả. Nhưng khi về nhà, tôi vẫn dùng kem đánh răng mà mười mấy năm cuộc đời đã dùng, khi quay lại Đức, tôi lại chọn hãng của Đức để dùng. Tất nhiên cái này không phải ai cũng làm được, vì có nhiều bạn có thói quen dùng mĩ phẩm khá kén. Nhưng hãy nói đến đồ ăn đi. Nói thật, tôi chán cái cảnh ở nhà đua nhau khoe anh đào với kiwi. Ăn quả đó thì không có gì sai hết, ở nước ngoài cũng nhập rất nhiều hoa quả từ các nước nhiệt đới. Nhưng cái sai ở thái độ cho rằng những thứ quả ấy bổ hơn, tốt hơn vì nó đắt hơn hoa quả của nước mình. Rồi ai ăn quả ấy là sành hơn, tiếp cận được những thứ tốt hơn. Nếu đánh giá dinh dưỡng dựa vào giá tiền thì bạn nên biết: Ở Đức, một quả đu đủ bé bằng nắm tay có giá hai trăm ngàn, còn anh đào vào mùa chỉ khoảng 70k một cân.

Ai đó lại bảo ”tại hàng Việt không an toàn chứ bộ”. Nhưng bạn cũng nên biết giai đoạn mất an toàn thực phẩm thì các nước phương Tây cũng phải trải qua một cách vật vã. Không phải người Việt tệ còn người Tây xịn. Nhưng ở các nước này, người tiêu dùng, chính quyền và doanh nghiệp đều tham gia vào quá trình nâng cao hàng hoá thực phẩm của mình, chứ không phải vội vàng tự khinh rẻ mọi thứ có mác địa phương.

Nếu thực sự yêu, người ta sẽ có đủ mọi lí do để thiên vị và ưu tiên cho những gì thuộc về cái họ yêu.

Mới mấy hôm trước thôi, lúc đi chợ với đứa bạn người Đức, khi nó nhìn hai thùng trái cây, một loại xuất xứ từ Đức, một loại xuất xứ Tây Ban Nha, chẳng biết quả nào ngọt hơn, bạn tôi đã đặt hàng nội địa vào giỏ và bảo ”ủng hộ nông dân Đức”. Mà hàng Đức công nghệ thì tốt, nhưng rau củ nông sản ít được liệt vào hàng ngon. Nhưng trước lựa chọn mà đều chưa rõ về chất lượng, thì người bạn này chọn ủng hộ cho nông dân địa phương. Tôi không thích thiên vị đâu, nhưng ở trường hợp này cách bạn thiên vị lại khiến tôi suy nghĩ về sự tích cực của nó. Không phải chỉ Đức đâu mà các nước như Nhật, Hàn, Thái cũng nhờ người dân ủng hộ hàng nội, từ đó làm bàn đạp cho doanh nghiệp nội địa cạnh tranh được. Mua sắm là vấn đề của tiền, nhưng nó lại bị ảnh hưởng rất nhiều bởi cái tình. Ở đây, bán hàng Việt cần tâm của người bán, nhưng cũng cần tình của người mua.

Rất nhiều thứ chúng ta có thể bắt đầu ưu tiên chỉ dùng hàng Việt:

Bớt ăn hoa quả nhập ngoại, bớt mua quần áo hãng tây rộng thùng thình. Vì chúng ta có hoa quả Việt Nam ngon, đồ ăn Việt ngon, quần áo thiết kế của hãng Việt cũng hợp cỡ và vóc dáng người Việt hơn. Rồi cùng nhau ủng hộ các bạn trẻ Việt khởi nghiệp với nhiều loại mặt hàng khác như kem đánh răng, dầu gội, sữa tắm hãng Việt…

IMG_1974

Ngay tết này đây, liệu bạn có sẵn sàng bỏ bớt mấy gói bánh kẹo hàng nhập ra khỏi danh sách sắm và tặng quà tết không?

Nếu có thì chia sẻ #dunghangviet nhé

Thậm chí đôi khi 10 lần mua đồ ngoại cũng nên 2 lần tạo cơ hội cho hàng nội địa chứ? Còn nếu không thể chấp nhận hàng Việt, hy vọng ít nhất chúng ta cũng nên tỉnh táo hơn để tránh định kiến rằng ”Tây là tốt”.

Có câu nói là: Sụp đổ và đau khổ thường đến từ bên trong chứ không phải bên ngoài. Nhiều khi chả phải vì tây tốt, mà là vì ta tự làm mình tệ đi bằng suy nghĩ ”Việt Nam toàn hàng dỏm”.

Nghe đâu người ta bảo ”hàng Việt ở đâu thì biên giới Việt Nam tới đó”. Vậy nếu chúng ta cứ tự suy tôn hàng ngoại trên nước mình, khác gì tự làm mờ biên giới nước mình? Thế thì hàng Việt có đi xa đến đâu thì còn ý nghĩa gì?

Nghèo tiền thì được. Chứ nghèo tình yêu, nghèo tự trọng và nghèo tầm nhìn mới nguy hiểm.

Hy vọng chúng ta không nghèo như mình nghĩ!

 

——————————

Tâm tự của tác giả: bài viết này chính xác mất 8 tháng để tôi trình bày cả về nội dung câu chữ và tự mình vẽ hình minh hoạ. Để tác giả nhận đúng công sức đã bỏ ra, vui lòng chia sẻ có trích dẫn ”flownes.com” (một cách trân trọng hàng Việt nhỉ). Mọi thông tin trong bài viết này đều thuộc bản quyền của Flownes.

Bài viết do một cá nhân (là một du học sinh không có chuyên môn kinh tế) thực hiện, khó tránh khỏi sai sót, mong nhận được góp ý từ bạn đọc.

Các bài viết khác của tôi về học hỏi từ nước Đức:

Các bạn có thể đăng ký nhận bài viết mới từ blog cá nhân của Mik qua email ở cuối trang,
Cám ơn bạn đã đọc!


Nguồn tham khảo:

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

32 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Khánh
Khánh
1 năm trước

Dạo này ad không còn ra bài mới nữa hả, mình hóng quá.

Người Sài Gòn
Người Sài Gòn
2 năm trước

so sánh hay quá bạn, toàn lấy ví dụ ở VN mua hàng tây (Starbucks….) sao bạn ko lấy ví dụ kiểu ở Đức mua hàng VN đi :))) (ví dụ 1 tô phở 2-25€, gấp 3 lần 1 bữa ăn bình thường. Ở VN thì ko ai điên mà hằng ngày uống Starbucks đâu bạn ơi, cafe vỉa hè 5-10k 1 ly. Tôi đoán chắc bạn vừa đặt chân rời khỏi biên giới nên bị…. ngợp trước trời tây chăng? Bản thân tôi đã từng ở Đức khoảng 10 năm, làm việc cho 1 trong những tập đoàn lớn nhất ở Đức, nay đã về VN sống và tôi thấy sống ở VN chi tiêu thoải mái hơn nhiều. Chưa kể là xu hướng hiện nay của thế giới là BIO, handmade thì ở VN, bạn có thể ăn đồ BIO, xài hàng handmade với giá cực rẻ hơn nhiều.

Thân
Thân
2 năm trước

Chán những người sinh ra ở vạch đích, uống trà sữa mỗi ngày và nghĩ ai cũng như mình. Nhưng thực tế thì phần lớn người Việt vẫn nghèo vl ra, làm không đủ sống. Như bạn đã nói, thu nhập lao động phổ thông chỉ từ 3 triệu cho đến 6 triệu, còn thu nhập dân văn phòng khi mới ra trường thì cũng chỉ tầm 7 triệu, có khi còn thấp hơn. Thực tế là chi phí ở VN quá đắt đỏ so với thu nhập, một sự chênh lệch giàu nghèo còn hơn cả các nước “tư bản”.
Mình đọc bài này từ khi mới ra rồi nhưng giờ mới bình luận. Cảm ơn tác giả rất nhiều.

Admin
Admin
2 năm trước
Trả lời  Thân

:)) sao lại có thể lâu vậy mới bình luận kaka, cám ơn bạn nhiều nhé

Hùng
Hùng
2 năm trước

Giống mình ở nga. Anh đào mọc đầy ngoài tự nhiên ăn chán thì thôi. Còn trong cửa hàng cũng rất rẻ so với thu nhập. Về Việt Nam thấy đắt lè lưỡi mấy trăm nghìn 1 kg

Minh Hoang
Minh Hoang
2 năm trước

Bài viết hoàn toàn chuẩn và chính xác nhưng đoạn kết thì hơi khập khiễng, mình chỉ nêu ý kiến thôi nhá.
1. Hàng hóa thuần Việt bây giờ giá cũng mắc gần tương đương với hàng ngoại nhập (bạn có thể vào siêu thị và so sánh).

2. Ai cũng biết là hàng Việt giá rẻ dùng nguyên liệu Tung Của (chắc tầm 90%) và giá mắc thì vẫn là nguyên liệu Tung Của + nguyên liệu hịn. Thế nên, nếu là bạn thì bạn có dám mua các hàng thực phẩm, vệ sinh giá rẻ hoặc thuần Việt không? Trừ một số thương hiệu nổi tiếng và gía cũng chát như hàng ngoại: Vinamilk, Nutrifood, Dược Hậu Giang, bánh Kinh Đô,… hoặc các hãng sx đồ dụng cá nhân: quần áo, giày dép… (những thứ ít ảnh hưởng đến sức khỏe so vs thực phẩm).

Túm cái váy lại, bạn hoàn toàn đúng là giá cả ở Việt Nam quá mắc so với các nước khác xét trên phương diện thu nhập. Và giá ở Việt Nam luôn tăng, chẳng bao giờ ổn định trong 1 – 2 năm (hok nói giảm) cho dù các nguyên liệu đầu vào: xăng, dầu, điện nước,… có giảm sâu lol. Thế nên, tỉ lệ dân Việt giàu luôn thấp vì toàn bộ tiền đã chi cho chi phí sinh hoạt .

Admin
Admin
2 năm trước
Trả lời  Minh Hoang

Cảm ơn ý kiến của bạn nhé. Hy vọng sau làn sóng khởi nghiệp của VN gần đây sẽ có nhiều thay đổi về giá hơn nữa 🙂

Nga Đào
Nga Đào
2 năm trước

Em hay nói 1 câu “khoảng cách giàu nghèo sẽ ngày càng xa”. Và bài viết của chị Mik là lý thuyết và thực tế vững chắc để em tin câu nói của mình là đúng

Minh
Minh
3 năm trước

Hay quá chị ơi. Thật sự những điều như thế này cần đưa vào giáo dục để cải cách đất nước, cho những bạn trẻ tối ngày chỉ lướt fb, xem tiktok có cái nhìn khác hơn về hàng Việt. Chỉ tiếc là không phải ai cũng chịu tìm hiểu để có thể đọc bài viết này..

Admin
Admin
3 năm trước
Trả lời  Minh

Cám ơn Minh, thế để mấy hôm nữa chị dùng thử tiktok xem có đăng bài này lên được không :))))

Hiệp
Hiệp
3 năm trước

Mình cũng nhận ra những gì bạn viết khi đặt chân qua Mỹ du học cách đây 10 năm. Ở Việt Nam có quá nhiều cản trở ở mức “thượng tầng” nên muốn sản xuất hàng nội địa giá rẻ vào thời điểm hiện tại rất khó. Lấy nông sản làm ví dụ. Những yếu tố nội địa là: lao động, tài nguyên đất và hết. Còn phân bón, nhiên liệu (để vận chuyển) thì phải nhập. Mà nhiều khi giống cũng phải nhập. Đường sá thì kém. Vậy thì nông sản nội địa của Việt Nam còn đắt hơn các nước lân cận như Thái. Ưu tiên mua hàng nội địa chỉ giải quyết được phần ngọn thôi, còn cái phần “gốc” mới khó.

Admin
Admin
3 năm trước
Trả lời  Hiệp

Cảm ơn Hiệp, mình rất cám ơn ý kiến sâu hơn như vậy, bởi bài viết chỉ nhìn từ gó độ người dùng đại chúng.
Phần gốc chắc chắn rất phức tạp, nhất là mảng liên quan tới kiến thức về đủ loại lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, kinh doanh… Vì các nước khác có khi lao động đắt hơn, đất và tài nguyên không nhiều nhưng vẫn làm tốt hơn chúng ta. Hình như càng có thuận lợi sẵn ở yếu tố nội địa càng khó phát triển.

TNT
TNT
4 năm trước

Quá đúng. Chưa kể các số liệu kể trên là các số liệu về thu nhập trung bình. Nếu như dựa vào số liệu Median thì VN còn nghèo nữa, so với Đức khoảng cách thu nhập còn lớn nữa. Vì ở VN khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, dẫn đến việc thu nhập của 1 2 người giàu nhất kéo toàn bộ giá trị trung bình lên. DĨ nhiên chuyện này cũng có đối với số liệu của nước Đức, nhưng ở Đức chính sách thuế lũy tiến cũng góp phần vào việc hạn chế khoảng cách giàu nghèo.

Mik
Mik
4 năm trước
Trả lời  TNT

Uh số liệu trên chỉ tượng trưng thôi nên ở ngoài thực tế phức tạp hơn nhiều. Nhìn lại cụ thể người dân ở các vùng quê ngoài Hà Nội và Sài Gòn đều có mức thu nhập thấp, bất ổn mà vẫn phải mua các hoá mĩ phẩm như kem đánh răng, bàn chải… Nói chung là …thương 🙁

Thuong
Thuong
4 năm trước

Vấn đề hay quá, nhưng chắc chắn là mọi người vẫn sẽ tặc lưỡi “do chính phủ, do hàng Việt không chất lượng” thế này thế kia và tìm lí do để từ chối dùng mà không có tí lấn cấn nào trong lòng rồi. Mình thì chỉ nghĩ việc nâng tầm cái mác hàng Việt là của chung (như ví dụ về hàng Đức bạn đề cập), mình góp sức được chút nào hay chút đó, chứ một bộ phận những bên khác (chính phủ, thương nhân) không có tâm rồi mình cũng giận lẫy quay lưng thì làm gì có tí hy vọng nào cho khá lên được.

Ánh Lê
Ánh Lê
4 năm trước

Em cảm ơn chị Mik vì bài viết quá đỗi chất lượng, đọc xong thấy em có động lực #dunghangViet hơn hẳn, ngẫm lại mới thấy em đang có lối tư duy tiêu dùng “nghèo” thiệt chị ạ.

Sơn
Sơn
4 năm trước

Cảm ơn bạn. Cho mình chia sẻ lại trên DichauAu.net nhé. Mình chỉ trích dẫn lại 1 vài đoạn, sẽ dẫn nguồn và link về bài gốc của bạn. Mình rất thích blog và cách đặt vấn đề của bạn

Admin
Admin
4 năm trước
Trả lời  Sơn

Cám ơn Sơn, bạn cứ thoải mái chia sẻ.

Nguyễn Mạnh Cương
Nguyễn Mạnh Cương
4 năm trước

Nhưng người Việt cũng đang tự hại chính mình vì thực phẩm bẩn ,hàng giả hàng nhái tràn lan.Thử hỏi tin tưởng ở đâu?

Admin
Admin
4 năm trước

Đây là nỗi buồn 🙁 Nhưng châu Âu trước đây cũng có giai đoạn khủng hoảng này đấy, nó như một bước trong sự phát triển xã hội.

Vũ Hùng
Vũ Hùng
4 năm trước

Trong bài viết này mình cũng có một số bình luận như này: Thứ nhất không phải người Đức nào cũng có thu nhập cao (tức là không nổi 1800 Euro netto như trên đâu). Sở dĩ mình nói như vậy bởi vì đất nước này thực hiện chính sách lương tối thiểu, tức là lương đủ để chi trả. Thứ nữa sự xâm nhập của hàng hóa do lợi ích của toàn cầu hóa khiến thay đổi thói quen tiêu dùng của người Việt. Người Việt ngày càng có xu hướng thích dùng hàng nhập khẩu, mà nhẽ ra vẫn có thể lựa chọn các sản phẩm trong nước (ví dụ tiêu biểu là Sữa bột trẻ sơ sinh). Nói vậy để thấy, sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng ở Việt Nam là quá nhanh, mà người Đức thì gần như chẳng thay đổi gì. Cách đây mấy chục năm họ vẫn sở hữu một chiếc ô tô VW, giờ họ cũng vẫn sở hữu chiếc xe ấy với cái giá ấy… Mình đang đi học ở đây nên vẫn phải đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành vì chỉ kiếm được 500 Euro một tháng, mà cũng có rất nhiều thứ phải chi tiêu. Áp lực tài chính ở nước Đức lớn hơn ở Việt Nam rất nhiều lần. Việt Nam chỉ đắt hơn khi bạn đem so sánh giá cả những thứ mà người phương Tây hay chi tiêu. Ví dụ, thay vì uống Starbucks bạn có thể ra hàng cà phê trứng 15k…

Admin
Admin
4 năm trước
Trả lời  Vũ Hùng

Cám ơn Hùng, Mik chỉ lấy số trung bình nên cũng khó tránh khỏi những trường hợp cao thấp chênh lệch của cả hai bên. Ở Đức áp lực tài chính lớn nhưng nhóm sinh viên chúng mình vẫn được hỗ trợ nhiều, kiểu như nếu thực sự muốn học thì vẫn có nhiều cách để ít tiền mà vẫn đi học được, chứ ở VN, nhất là các vùng quê thì điều này là trở ngại.
Về thói quen tiêu dùng, như Hùng nói, chính xác đây là sự khác biệt lớn nhất. Mik thấy người Đức duy trì thói quen dùng cực kì chặt, có câu bắt người Đức bỏ dùng hàng Đức còn khó hơn lên sao hoả mà. Có lần Mik đứng chờ cả 5 phút chỉ để nghe một ông già than phiền là chai nước rửa tay thay đổi bao bì làm ông ý rất lo lắng liệu đây có đúng là chai ông ý hay dùng không cơ.

Van
Van
4 năm trước

Wwaoo. Cảm ơn bạn vì một bài viết rất hay về Economics và rất có tâm. Mình rất thích khúc phân tích về Opportunity costs. Hóng những sản phẩm từ Flownes.com tiếp theo nhé ^^

Admin
Admin
4 năm trước
Trả lời  Van

Cám ơn Văn nhiều

Anonymous
Anonymous
4 năm trước

Tôi công nhận bạn là đã nhận ra vấn đề này là thiết thực , nhưng vẫn chưa đủ. 1 phần rất lớn là do chính phủ nữa , nếu nói 1 cách phản động là lũ ngu si trị vì đất nước đưa ra những chính sách và đường lối bắt con người ta phải theo.Ai cũng đặt cái lợi lên đầu, đó là điều chắc chắn ,do đó phải làm sao hướng cái lợi theo chiều tích cực cho mọi người thì đó là góc nhìn vĩ mô mà chỉ có người có quyền lực mới làm dc điều đó…Nói tóm lại bạn mất 8 tháng vô ích để nói lên điều người ta biết hoặc ko cần biết.
“Where other men blindly follow the truth, Remember, nothing is true.
Where other men are limited by morality or law, Remember, everything is permitted.”

Admin
Admin
4 năm trước
Trả lời  Anonymous

Cám ơn bạn đã góp ý. Bài viết thựuc sự mới nhìn từ một góc nhỏ chỉ để đặt vấn đề. Thời gian thực hiện bài viết dài nhất là phần Mik ngồi nghĩ ý tưởng vẽ thôi 😀 Mong nhận thêm góp ý từ bạn.

Do Quynh
Do Quynh
4 năm trước
Trả lời  Anonymous

Dù sao thì bài viết cũng giúp được phần lớn người Việt hiểu được vấn đề, để mà còn nghĩ cách giải quyết hoặc chí ít là ủng hộ những người cố gắng làm điều đó chứ bạn. Cá nhân mình đã lờ mờ nhận ra điều này khá lâu trước đây nhưng chưa thể hiểu rõ ràng cho đến khi đọc bài viết này. Cám ơn tác giả <3

Nghia Nguyen
Nghia Nguyen
4 năm trước

Bài viết của bạn rất hay và chuẩn xác. Trước khi mình ra nước ngoài, mình luôn nghĩ đồ Việt luôn kém chất lượng hơn hàng nước ngoài, nhưng sau khi mình mua được một chiếc quần made in VietNam, mình lại rất thích nó vì mặc nó thoải mái hơn những quần mình từng mua được made in somewhere else. Đợt trước mình cũng từng đọc được một bài báo nói về một phụ nữ Trung Quốc sang nhật mua túi may mắn fukubukuro bên Nhật, khi về nước đã rất tức giận vì bên trong toàn hàng made in china. (Người Việt mình cũng ghét đồ China, nhưng nó là nước xếp thứ hai trên thế giới chỉ sau Mỹ thôi mà đúng không).
Và thế là mình nghĩ, cái khái niệm xính ngoại của Việt Nam mình, nó đã ăn sâu vào trong trí óc con người Việt Nam, và nhà nước Việt Nam (cái này nên nói nhỏ không bị sờ gáy mất) chả có nỗ lực gì để cải thiện việc đảm bảo an toàn chất lượng ở Việt Nam hết, thành ra cái khái niệm ấy nó chả bao giờ mất được. Mình còn muốn viết nhiều nữa mà cmt của mình nó dài quá rồi nên tạm chia sẻ vậy thôi =))

Mik
Mik
4 năm trước
Trả lời  Nghia Nguyen

Mik rất thích chia sẻ thật của bạn. Nhìn càng sâu thì càng thấy cần mọi nỗ lực từ mọi phía.

Nghia Nguyen
Nghia Nguyen
4 năm trước
Trả lời  Mik

Đúng vậy, vấn đề tuy nhỏ nhưng khi phân tích sâu ra thì lại sâu không tưởng. Mình nghĩ có một sự thật mà người Việt hầu như không biết hoặc cố tình lảng nó đi, đấy là người nước ngoài thì muốn sống ở Việt, còn người Việt lại chăm chăm muốn ra nước ngoài sinh sống. Hahaha.

Điền Đức Hạnh
Điền Đức Hạnh
4 năm trước

Xin chào Flownes, mình rất thích những bài viết của bạn.

Mik
Mik
4 năm trước

Cám ơn Hạnh đã ủng hộ 🙂

Quay về đầu trang
32
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x