Ai không được ở trên lãnh thổ của ta?
(Bài tâm sự)
Mới vài ngày trước ở Đức vừa có một vụ xung đột liên quan đến việc những người như Mik không được ở Đức nữa….
À không, câu vừa rồi để gây chú ý thôi. Nhưng đúng là có nỗi lo ngại cho tất cả những người không có da trắng tóc nâu vàng sống trên nước Đức, gồm cả du học sinh như Mik. Đó là một cuộc xung đột liên quan tới phản đối người nước ngoài ở một khu vực của Đức. Nhiều bạn còn đùa là đừng ra đường không nguy hiểm tính mạng.
Mik vốn rất thích các cuộc biểu tình ở Đức bởi sự đa dạng nội dung của nó. Nhiều nhất Mik thấy là biểu tình chống lại Trump. Ngoài ra, có lần người trẻ đi biểu tình khắp thành phố đòi quyền dùng một loại cây thuốc phiện. Hoặc có lần sinh viên phản đối việc tăng tiền học cho sinh viên nước ngoài lên 10 lần so với sinh viên Đức. Hay nhất là các buổi biểu tình đều đi trong trật tự, khí thế và đôi khi có nhạc điệu vui nhộn và ăn mặc nổi bật hấp dẫn. Mỗi lần thế tôi lại đứng xem từ đầu đến cuối để tận hưởng không khí vui nhộn ấy.
Nhưng cuộc biểu tình vừa rồi là để chống lại thái độ phát xít- với quan điểm đuổi người nước ngoài ra khỏi Đức. Cuộc biểu tình này có hai mặt vui và buồn.
Vui là nhóm người chống lại thái độ phát xít kia chính là người Đức. Điểm nổi bật của người Đức là dám nhìn nhận quá khứ sai lầm và họ luôn sửa sai. Điều này đúng với đa số người Đức trong việc học và làm việc, vậy nên năng suất của họ cao còn sản phẩm thì luôn đạt tiệm cận hoàn hảo.
Điểm vui thứ hai là những người này không làm tôi thất vọng vì họ cũng giống với nhiều người Đức mà tôi đã gặp. Đó là họ đứng về góc nhìn cái đúng – cái sai, chứ không phải quy chụp theo phe người này người kia.
Một ví dụ mà tôi đã trải nghiệm đó là có lần tôi gây tai nạn xe đạp với một chú chó cưng. Hôm ý đi nghe nhạc hội về lúc nửa đêm, đang đạp xe thơ mộng trong gió mùa hè êm dịu bỗng có tiếng ”oái oái, ứ ứ”. Tôi dừng lại ngơ ngác và bỗng một bà lão nhảy ra hét lên:
”ối dời đất ơi là dời đất ơi!!!! đi đứng kiểu gì đấy hả, sao lại có thể đi bất cẩn thế…”
Tiếng hét thất thanh còn chưa kịp hùng hổ hơn thì bỗng bên trái của Mik có một người phụ nữ khác nhảy ngay vào, giọng điệu bức xúc không kém:
”Này bà kia, chó của bà thì bà phải có nghĩa vụ xích vào khi trời tối, thời điểm này làm sao mà người ta nhìn được…”. Rồi người phụ nữ có chó liền im, chạy tới ôm chú cún và đi mất.
Lúc đó xong hết rồi Mik mới biết mình vừa đâm vào em chó nhỏ đen sì đang bò dưới đường. Mắt quáng gà cộng với quá giờ đi ngủ nên Mik bị chậm hiểu, chả kịp phản ứng gì. Ở đây, khi trời tối, chó đều đeo vòng phát sáng. Phần đường đó là đường chung của người đi bộ và xe đạp nên khó tránh người đạp xe ngồi cao không nhìn thấy phía dưới nếu không có vòng phát sáng ấy. Thế nên dù chó bị đâm thì tôi cũng không phải là người sai. Và niềm an tâm là: ở Đức, khi mình làm đúng, cứ miễn là đúng thôi, thì mình được lên tiếng bảo vệ bởi cả người dân chứ không chỉ pháp luật, dù mình là ai. Nhà văn Phan Việt cũng từng viết nếu bị bỏ lại trên đảo hoang mà được chọn sống với ai, mà chỉ với thông tin về quốc tịch, thì chắc chắc cô sẽ chọn người Đức.
—————————
Vậy mà ở cuộc xung đột vừa rồi, nguyên nhân là vì có một nhóm lớn người Đức rất bực bội với sự có mặt của người nước khác trên lãnh thổ của họ. Mik có thể hiểu nỗi bực tức này. Nó giống như một ngày tự dưng ông hàng xóm hôi hám, hay ăn cắp, giọng lè nhè nhảy xổ vào nhà mình và nằm vắt vẻo trên ghế vậy, thậm chí còn bắt mình đóng phí để ổng uống rượu. Hơn nữa, sự ngăn nắp và trật tự của người Đức không phải dễ dàng để các nền văn hoá khác nhanh chóng sửa đổi theo. Vì vậy, khó tránh khỏi sự phẫn nộ của một số người Đức khi thấy người nước khác phá vỡ cuộc sống hiện tại. Nhưng sự phẫn nộ này lớn tới mức nó mù quáng, và lúc này họ không còn đứng về góc nhìn cái đúng – cái sai. Lúc này chỉ còn sự phân biệt dựa trên khác màu da, mái tóc, quan điểm. Và vì vậy, nó là phần mà tôi thất vọng.
Tôi cũng đã nhìn thấy thái độ này ở Việt Nam. Chẳng ít lần đọc những lời phê phán phân biệt vùng miền, phân biệt người quê người phố. Hoặc ”Bắc Kì” với ”Nam Kì”. Tất cả chỉ dựa trên sự kém nhận thức về tính khác biệt và thiếu văn hoá tôn trọng. Có lẽ đó là một nỗi khổ chung của con người trên cả thế giới khi cứ đi tìm cớ để ghét nhau. Trong tâm lý học, con người được chỉ ra là luôn tìm cách quy mình về một nhóm và nâng tầm của nơi mình thuộc về. Sự thật ở thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, hay ở nước phát triển như Đức, người ta càng có cớ cho sự ”trên cơ” ấy. Dân tỉnh, dân thành phố, nước giàu, nước nghèo cuối cùng chỉ là cái bẫy tâm lý ta tự treo vào mình thôi. Lẽ ra, như bài viết về cách tranh luận vào vấn đề, không phải người nào không được ở đây, mà là tư tưởng nào phải biến mất trong chúng ta.
Có ý kiến giải thích sự mất bình tĩnh này là do nỗi sợ người lạ – Xenophobie.
Nỗi sợ này vốn có trong gen của chúng ta, và đã từng vô cùng hữu ích ở thời các bộ lạc cần sự đề phòng từ kẻ lạ mặt. Nhưng thời buổi ngày nay thì liệu nó còn cần? Khi mà toàn cầu hoá đang xoá bỏ vai trò của việc co cụm của từng bộ lạc riêng.
Từ khoa học, đây là nỗi sợ từ cảm xúc, và nó bị chi phối bởi một phần não chỉ phân biệt hoặc tốt hoặc xấu – hoặc sống hoặc chết, thay vì có thể cân nhắc vấn đề dựa theo tư duy. Nghĩa là những ai rơi vào nỗi sợ này thay vì có thể nghĩ xem tại sao và khi nào rắc rối sẽ đến, họ sẽ tự động không tin vào bất cứ số liệu nào để phân tích tình hình. Ví dụ nếu bạn sợ đi máy bay, dù cho có bao nhiêu phân tích chỉ ra rằng máy bay là phương tiện an toàn nhất, bạn cũng không hề lay chuyển nỗi sợ đó.
Và điều này chính là điểm mà nhiều kẻ lợi dụng nhằm kích động chúng ta. Chúng tấn công vào nỗi sợ để điều khiển hành vi của người khác. Trong vụ xung đột ở Đức vừa qua, rất nhiều người nổi loạn đến từ những vùng quê. Những người này thường ít tiếp xúc với người lạ, ít nhận thức được tình hình nên lại càng dễ bị sợ tấn công hơn.
Biết được điều này là quan trọng, đặc biệt với Việt Nam. Vì cứ mỗi lần có một vụ việc gì nổi lên, là bạn bè mình thì nhau nói về việc ”Trung Quốc xâm chiếm”, ”mất nước”, ”chết người”, ”hại dân” mà không phân tích vấn đề đang xảy ra. Hoặc rất nhiều lần các vùng quê là nơi dễ bị kích động chính trị, lừa đảo đa cấp hay dụ dỗ tôn giáo, đều ít nhiều liên quan đến việc bị lợi dụng các nỗi sợ. Vì vậy, hãy làm vững tư duy và bản lĩnh nhé, đừng để lợi dụng bởi nỗi sợ của chính mình.
Ban co the giai thich them cho minh ve doan cuoi dc k vì mình không thấy nó liên quan đến các đoạn trên lắm ” Vì cứ mỗi lần có một vụ việc gì nổi lên, là bạn bè mình thì nhau nói về việc ”Trung Quốc xâm chiếm”, ”mất nước”, ”chết người”, ”hại dân” mà không phân tích vấn đề đang xảy ra….” Bạn có thể nêu 1 số vụ gì nổi lên được không?
Cám ơn Ngân nhé.
Đúng là đoạn này mình viết ”mập mờ” vì nó hơi nhạy cảm chính trị.
Một số ví dụ về những vụ việc như Formosa, 99 năm thuê đất, vụ Thủ Thiêm, hay thậm chí vụ ”tà giáo” khăn trắng. Đoạn này mình chỉ muốn nói những vụ việc tưởng chừng khác nhau, nhưng bản chất có thể như nhau. Đây đều là những sự kiện mà mình thấy cách hành xử của một số người dân khá giống với vụ việc vừa rồi ở Đức: Bực tức, muốn đạp đổ, loại bỏ, bức xúc, căm phẫn, đi theo tiếng gọi… Mỗi vụ việc trên đều có vấn đề sai (nên nó mới xảy ra khủng hoảng). Nhưng không ít người bị lợi dụng và họ không quan tâm đến giải pháp xử lí, mà chỉ lăm lăm đi ”đạp đổ” thứ mà họ cho là kẻ thù, họ gàn lại mọi phân tích của người khác, dù có lí cỡ nào. Ở Đức, việc chống người nước ngoài đã diễn ra từ lâu, và không ít người (vô tội như Mik :p ) bị vạ lây. Kiểu như họ điên tiết nên ai cũng ghét, cũng muốn xử lí.
Mình không nói những ai có thái độ bức xúc với những vụ việc ở VN đều là bị giật giây, vì bản thân mình cũng có sự bức xúc ấy. Nhưng nếu bị nỗi bực chi phối, thì rất dễ bị cuốn vào.
Một ví dụ của việc cuốn vào sự phẫn nộ mù quáng đến từ một người bạn của mình. Vì bức xúc với chình quyền nên chúng ta thường bị sự bực tức ấy che mắt, cứ thấy chính quyền làm gì thì cũng tưởng tượng là họ đang ”hại dân”. Trước đây có một chính sách về việc mỗi người dân đều được mặc định hiến một lượng máu nào đó. Và ngay lập tức bạn mình cho rằng ”nhà nước hút máu dân”, và được rất nhiều người ủng hộ sự bức xúc ấy. Nhưng thật ra đây là một phương pháp thực hiện chính sách rất hiệu quả trên thế giới. Có lẽ vì nhiều người phản đối nên chính sách đó bị không được thông qua, và chúng ta hiện giừo đang đối mặt với thiếu máu nặng nề.
Mỗi khi bức xúc như vậy ta rất dễ được đổ dầu đổ lửa thay vì đặt câu hỏi tư duy cho vấn đề. Điều này đáng buồn cho chúng ta hơn là cho chính phủ 🙁
Minh đồng tình với ý kiến của bạn. Chỉ là mình thấy bạn đưa chi tiết đo vào chưa được hợp lý cho lăm.
Mình cho rằng đem vận mệnh của 1 đất nước( trước vấn nạn TQ thôn tính va DCS đàn ap dân) -và so sánh với Rassismus in Dtl thì có hơi khập khiễng.
PS: minh cung k đồng tình với cách nguoi dân o Phan Rang, Phan Ri đâp phá UBND….
Có lẽ những hoạt động này không nên đặt cạnh nhau như vậy vì có thể mình khiến người đọc liên tưởng tới việc mình so sánh sự tương đồng về mọi mặt của chúng (trong khi mình chỉ muốn nhấn mạnh vào phản ứng bằng giận giữ có thể bi lợi dụng). Lần sau mình sẽ chú ý hơn. Cảm ơn Ngân góp ý việc này.
À nhưng nói về các sự kiện trên thì mình nghĩ việc tràn người nước ngoài vào là việc quan trọng với vận mệnh đất nước của người Đức, nên cũng không thể nói là nó nhỏ với họ được.